“Cà phê em yêu” hay “hát em yêu” mỗi tiếng ở bên người đẹp là 150.000 đồng/người. Nhưng giá này là chỉ ngồi và ngắm hoặc nghe hát. Chứ động đến bộ phận nào của người đẹp lại có mức giá khác…
Không thể phủ nhận những lợi nhuận về mặt kinh tế của người dân Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên khi hàng chục nghìn công nhân đến đây sinh sống, làm việc. Chỉ việc xây nhà cho thuê cũng khiến nhiều nhà kiếm không ít tiền ở mảnh đất miền núi này. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe khi thường xuyên phải tiếp xúc với bụi, chịu cảnh tắc đường và những nguy cơ về an ninh trật tự.
Đường thôn tắc hơn cả phố
Khoảng thời gian sáng sớm hoặc tan ca chiều, mọi ngả đường đi đến khu công nghiệp Yên Bình đều tắc cục bộ. Giữa cái nắng nóng mùa hè cộng với bụi mù mịt, tiếng còi xe inh ỏi khiến những người ở xa đến phải rùng mình. Còn với người dân Đồng Tiến, cảnh tắc đường đã trở thành “món ăn” mà ngày nào họ cũng phải “thưởng thức”.
Len qua nhiều đoạn đường tắc nghẽn, chúng tôi mới tấp vào được một quán nước đối diện với nhà máy Samsung. Cảm giác lúc đó chẳng khác nào vừa thoát ra một con phố giờ tan tầm ở Hà Nội.
“Bọn em lên xin làm công nhân Samsung à. Có ai giới thiệu chưa, nếu không để chị giới thiệu cho”, chị chủ quán nước nói khi nhìn thấy chúng tôi xách ba lô vào quán. Chị này cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt người ở các tỉnh đến đây để xin vào làm trong đại nhà máy này. Có vẻ chị chủ quán là người vui tính, ăn nói khéo léo và đặc biệt ấn tượng với vóc dáng khá chuẩn. Tuy nhiên, rất khó đoán tuổi của chị, bởi khuôn mặt luôn đeo khẩu trang. “Ở đây bụi thế không đeo khẩu trang thì có mà chết vì ung thư phổi”, người này lý giải khi cậu đồng nghiệp của tôi thắc mắc.
Đang nói chuyện với chúng tôi thì có một nhóm người nước ngoài đi vào quán, có vẻ họ là kỹ sư, công nhân Hàn Quốc. Thấy khách đến, chị chủ vội vàng đứng dậy đon đả mời khách bằng những câu tiếng Anh bồi. Điều này khiến chúng tôi khá ngạc nhiên.
“Ngày xưa chị có biết chữ tiếng Anh nào đâu, nói tiếng Việt còn “ngọng níu (líu), ngọng nô (lô)”, nhưng khi lên đây, khách nước ngoài nhiều nên phải học để giao tiếp. May mà có đứa em đang học dưới Hà Nội, nó mang sách về và hướng dẫn chị những câu giao tiếp. Nói nhiều cũng quen ý mà”, chủ quán chia sẻ.
Chủ quán nói thêm: “Ở đây buôn bán gì cũng dễ, nhưng cạnh tranh khốc liệt lắm. Nếu không có máu mặt thì khó làm ăn lắm”.
Phía bên ngoài, dòng người và phương tiện vẫn như nêm, ai nấy đều phải đeo khẩu trang để tránh bụi. Đang đăm chiêu suy nghĩ, tôi bỗng giật mình bởi tiếng gọi của Nhung. Hôm nay Nhung hứa sẽ cho chúng tôi gặp vài nữ đồng nghiệp của cô trước khi chúng tôi rời khỏi Yên Bình. “Phải chờ khoảng 1 tiếng nữa để đường bớt đông thì mình đi ăn anh ạ”, Nhung kéo ghế ngồi cạnh tôi. Lúc đó, khu vực hàng quán trước cổng nhà máy lổn nhổn người đứng, ngồi. Nhiều người mang theo ba lô như từ ở xa vừa tới.
Đồng nghiệp của Nhung, tên là Linh cho biết, mỗi ngày có hàng trăm công nhân đến xin việc nhưng cũng có không ít người phải rời nhà máy vì không chịu được áp lực công việc. Nhung nói thêm, mỗi ngày phải làm 12 tiếng đồng hồ, cứ hai tuần lại đổi ca đêm thành ca ngày. Với lượng công việc như vậy không phải ai cũng đủ sức để làm, dù mức lương cực kỳ hấp dẫn.
Công nhân “tăng ca” ngoài nhà máy?
Hơn 19h tối, cổng KTX công nhân bắt đầu nhộn nhịp người vào ra. Không khó nhận ra những nữ công nhân ăn vận khá sành điệu sau khi đã trút bỏ bộ đồng phục công nhân. Quả thật, trong ánh sáng mờ mờ của đèn cao áp vì bụi bám, trông các cô xinh và sành điệu như gái thị thành.
“Bây giờ cũng là thời điểm nhiều công nhân “tăng ca” ngoài nhà máy anh ạ”, Linh cho biết.
Đội ngũ xe ôm trước cổng KTX vội vàng phi xe đến và chở các cô gái đi về hướng phố Hàn Quốc. Khi thấy bạn tôi tò mò về việc những nữ công nhân “tăng ca” sau giờ làm, Nhung dẫn chúng tôi đi gặp một cô gái, mà theo như lời Nhung “chị này biết rất rõ về thế giới công nhân chân dài”. Đó là chị Nguyễn Thị H.
Chị Nguyễn Thị H. (Phú Bình – Thái Nguyên), từng làm công nhân trong nhà máy Samsung, hiện là chủ một cửa hàng làm tóc ở gần nhà máy này cho hay, nhiều công nhân sau khi hết giờ làm đã quyết định đi “tăng ca” với khách.
Theo lời chị H., từ khi có nhà máy Samsung, số lượng kỹ sư người nước ngoài làm việc ở đây khá đông. Đặc biệt những người này thích đi “cà phê em yêu” và “đi hát em yêu”. Đây là những thuật ngữ được người nước ngoài sử dụng khi nói đến karaoke ôm và cà phê ôm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cả để “đi hát em yêu” hay đi “cà phê em yêu” là không hề rẻ tí nào và lại có những luật lệ khá đặc biệt.
L. (quê Nghệ An) là kỹ sư xây dựng đang thi công công trình ở khu công nghiệp này cho hay, nếu chỉ “cà phê em yêu” hay “hát em yêu” thì mỗi tiếng ở bên cạnh người đẹp là 150.000 đồng/người. “Nhưng nhớ giá này là chỉ ngồi và ngắm hoặc nghe hát thôi nhé. Chứ động đến bộ phận nào của người đẹp lại có những khung giá khác nhau đấy. Chớ manh động”, L. cười lém lỉnh cho biết.
Chị H., chủ tiệm tóc nói thêm, mỗi đêm nữ công nhân chỉ cần “tăng ca” khoảng 3 tiếng, từ 8h đến 11h tối là có gần 500.000 đồng, chưa kể “thu nhập phụ”. Bởi lẽ, ai dám chắc là khách chỉ ngắm hát mà không “động tay động chân”. Vì thế, chị H. cho hay, nhiều nữ công nhân có chút nhan sắc sau một thời gian làm công nhân vất vả đã quyết định “chuyển ngang” với mức thu nhập không kém nhưng lại nhàn hạ hơn.
Theo Hà Khê
Nguồn: Người đưa tin